Chế Độ Dinh Dưỡng Trong "Giai Đoạn Vàng" Của Trẻ Nhỏ
Đảm Bảo Chế Độ Dinh Dưỡng
Trong “Giai Đoạn Vàng” Của Trẻ Nhỏ
Các giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ:
Từ khi sinh đến lúc trưởng thành (15-18 tuổi), các nhà khoa học đã phân trẻ em ra thành các giai đoạn : giai đoạn sơ sinh, giai đoạn nhũ nhi, giai đoạn răng sữa, giai đoạn thiếu niên và giai đoạn dậy thì. Có tài liệu còn phân thêm một giai đoạn nữa là giai đoạn bào thai, tức là tính cả thời gian các cháu đang còn nằm trong bụng mẹ. Việc phân ra từng giai đoạn cụ thể như vậy là hết sức cần thiết nhằm góp phần nghiên cứu một cách kỹ lưỡng nhu cầu dinh dưỡng, khả năng phát triển, đặc điểm tâm sinh lý,… của các cháu trong từng giai đoạn cụ thể, nhằm đảm bảo việc nuôi dưỡng, dạy dỗ các cháu được tốt nhất. Nếu ở các giai đoạn phát triển, các cháu được chăm sóc chu đáo, có thể trạng mạnh khỏe đó sẽ là tiền đề tốt để khi trưởng thành, các cháu sẽ là những công dân khỏe mạnh. Mặc dù chia ra thành các giai đoạn phát triển như vậy nhưng hầu như tất cả các nhà khoa học nghiên cứu về sức khỏe của trẻ em đều thống nhất với nhau về tầm quan trọng trong quá trình phát triển “giai đoạn vàng” của trẻ (giai đoạn mà các nhà khoa học gọi cho quãng thời gian các cháu từ 0-3 tuổi). Bác sỹ nhi khoa Benjamin Spock (người Mỹ) là bác sỹ nhi khoa nổi tiếng thế giới. Ông cho rằng “giai đoạn vàng” của trẻ nhỏ là giai đoạn đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển của trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần, cũng như cho nhận thức của trẻ trong tương lai. Nuôi dưỡng tốt các cháu trong giai đoạn này chính là giúp trẻ phát huy hết tiềm năng của mình ngay từ bước khởi đầu quan trọng. Đồng thời giúp cho trẻ học hỏi, tiếp thu tốt các kiến thức trong cuộc sống.
Tại sao lại gọi giai đoạn phát triển này của trẻ là “giai đoạn vàng” ?
Theo các nhà khoa học, đây là lứa tuổi phát triển rất nhanh cả về thể lực và trí tuệ. Chiều cao của trẻ lúc 2 tuổi đúng bằng 1/2 chiều cao lúc trưởng thành. Ở giai đoạn này, tế bào não đã phát triển với tốc độ hết sức nhanh chóng. Chỉ từ 6 tháng đến 3 tuổi, trọng lượng não của trẻ đã tăng đến mức bằng 80% não của người trưởng thành. Còn từ năm thứ 3 trở đi, bộ não vẫn phát triển nhưng chậm dần và đến năm 6 tuổi, cấu trúc của bộ não đã gần như hoàn thiện. Sự phát triển của não quyết định khả năng tiếp thu của trẻ qua các mặt : sự ghi nhớ, khả năng phân tích và tổng hợp vấn đề. Khi trẻ nhỏ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, khả năng tiếp thu của các cháu sẽ giúp cho các cháu nhận thức nhanh và xử lý các vấn đề nảy sinh một cách ngày một hợp lý hơn. Như vậy chúng ta có thể thấy rằng, nếu trẻ nhỏ được nuôi dưỡng tốt trong giai đoạn này thì thể lực và hệ thống thần kinh sẽ làm đà cho sự phát triển ở giai đoạn tiếp theo. Vậy điều các bà mẹ cần quan tâm, chú ý khi đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho các cháu nhỏ trong giai đoạn này là gì.
Một là, cho trẻ được bú ngay sau khi sinh:
Nuôi con bằng sữa mẹ là phương pháp cho ăn tốt nhất, đầy đủ dinh dưỡng nhất, đảm bảo cho trẻ phát triển tốt ngay ở những tháng đầu đời của trẻ. Vì sữa mẹ là nguồn chất dinh dưỡng thỏa mãn nhu cầu phát triển của trẻ. Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có những chất có thể giúp cho trẻ miễn dịch một số căn bệnh nhiễm khuẩn trong 6 tháng đầu đời. Nên cho trẻ tập bú ngay sau khi sinh từ 30-60 phút để tận dụng nguồn sữa non có chứa nhiều chất miễn dịch của mẹ.
Trong trường hợp các mẹ sinh con mà không có sữa hay một số trường hợp khác trẻ sinh ra mà không có nguồn sữa mẹ như trẻ mồ côi, mẹ không có sữa, thì có thể cho các bé uống một số loại sữa dành cho trẻ như : Similac, Enfalac Premature, Apptamil hay Frisopre,…
Khi trẻ ngoài 4 tháng tuổi, nếu trẻ tăng trên 500 gr/tháng thì có thể vẫn tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 6 tháng tuổi mà chưa cần cho ăn dặm. còn nếu trẻ tăng dưới 500 gr/ tháng thì phải cho trẻ tập ăn thêm bột. Tập ăn từ ít đến nhiều, lúc đầu có thể là 2-5 muổng bột/ngày và tăng dần lên 1/2 đến 1 bát bột/ngày. Cho trẻ tập ăn dần từ lỏng đến đặc, từ ít chất (ban đầu chủ yếu là bột gạo nấu với nước hầm xương, khoai tây, cà rốt… đến cho trẻ ăn đủ 4 nhóm tinh bột, chất béo, đạm và rau. Trong giai đoạn này, các mẹ không cần nêm thêm muối, đường hay bột ngọt vào bột của trẻ.
Khi trẻ đã được hơn 6 tháng tuổi cho đến 2 tuổi, nếu các mẹ còn sữa thì nên cho các cháu bú đến 2 tuổi thì mới cho trẻ cai sữa. Nên chuyển dần cho các cháu từ ăn bột sang ăn cháo, số bữa ăn cũng được điều chỉnh theo hướng tăng dần các bữa cháo, giảm dần số bữa cho trẻ bú. Làm sao khi ngoài 6 tháng đến 1 năm tuổi mỗi ngày các cháu nên ăn 3-4 bữa bột hoặc cháo kèm theo bú mẹ hoặc bú bình 3-4 lần. Đến khi cháu được 2 tuổi, mỗi ngày nên cho cháu ăn 5 bữa bột hoặc cháo.
Khi ngoài 2 tuổi đến 3 tuổi, các mẹ nên tập dần cho các trẻ chuyển sang ăn cơm 3 bữa cùng gia đình. Cần chú ý là do răng hàm của cháu chưa phát triển đầy đủ(chưa đủ 8 răng), hệ thống tiêu hóa chưa hoàn thiện được như người lớn nên cho trẻ ăn cơm nấu mềm và đồ ăn được nấu nhừ để các cháu dễ tiêu hóa và đỡ hại dạ dày. Ngoài 3 bữa chính, hàng ngày nên xen kẽ cho các cháu ăn thêm khoảng 2-3 bữa phụ như sữa tươi, sữa chua, bánh ga tô, trái cây hoặc các loại bánh, kẹo bổ sung vitamin…
Ba là, phải kiên trì khi cho trẻ nhỏ ăn.
Thông thường những trẻ có nền tảng thể lực tốt, ham vận động thường chóng đói và ăn khỏe. Một số trẻ nhỏ sức khỏe không được tốt, hay bị viêm nhiễm và lười vận động thường lại biếng ăn. Có không ít ông bố, bà mẹ do công việc cơ quan, công việc gia đình quá bận rộn nên khi con biếng ăn thường cho con uống sữa bù, họ nghĩ như vậy cũng đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Suy nghĩ vậy là rất sai lầm, nhất là đối với trẻ ngoài 1 tuổi, nhu cầu dinh dưỡng cao hơn nhiều so với trẻ vài tháng tuổi. Trẻ được ăn uống đủ dinh dưỡng sức khỏe được tăng lên, trí lực phát triển tốt chẳng những sẽ góp phần cho cháu ít bị bệnh vặt mà làm cho hệ thần kinh của cháu phát triển tốt hơn. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên hết sức quan tâm đến chuyện ăn uống của trẻ, phải tìm mọi cách cho trẻ ăn hết “khẩu phần”. Nói điều này cũng có nghĩa là các bậc làm cha, làm mẹ phải tìm ra được nhiều cách để giúp cho trẻ ăn được nhiều. Chẳng hạn như thường xuyên thay đổi đồ ăn nấu cho trẻ mà vẫn đảm bảo đầy đủ chất, nếu thấy trẻ thích ăn một loại thực phẩm nào đó thì cho trẻ ăn món đó nhiều hơn một chút, không duy trì quá đơn điệu các món ăn hàng ngày. Trẻ thường hiếu động, khi bé biếng ăn có thể cho bé vừa ăn vừa chơi đồ chơi hay vừa cho xem mọi người chơi một trò chơi nào đó để hướng sự chú ý của cháu vào đó…
Bốn là, chữa trị kịp thời khi trẻ có dấu hiệu bị bệnh tật.
Trẻ nhỏ hay bị các căn bệnh như viêm họng, cảm cúm, sốt, thủy đậu… Các biểu hiện ban đầu có thể là ho, chảy nước mũi, sốt, thở khò khè, biếng ăn, tiêu chảy, quấy khóc… Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ có thể làm cho các cháu bị suy nhược cơ thể do không đảm bảo về dinh dưỡng. Cho nên, các gia đình có trẻ nhỏ nên có sẵn một số loại vật dụng rất cần thiết như cặp nhiệt độ, thuốc hạ nhiệt, dung dịch điện giải và một vài loại thuốc thông dụng khác. Nếu khi trẻ sốt cao kèm theo biểu hiện quấy khóc nhiều hay mệt lả thì nên đưa cháu đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để các nhân viên y tế chẩn đoán và điều trị. Còn nếu các cháu sốt nhẹ, căn cứ vào các biểu hiện khi đó mà các ông bà nội ngoại hay những người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm cũng có thể biết được cháu bị bệnh gì và hướng chữa trị ngay cho cháu.
Các cháu bị bệnh thường hay quấy khóc và biếng ăn. Vì vậy, các ông bố, bà mẹ nên tìm cách hạ nhiệt cho cháu (nếu cháu bị sốt) rồi dỗ cho cháu ăn hoặc tìm cách cho cháu bú sữa bình (kể cả lúc cháu đang ngủ) để giúp cháu sớm hồi phục sức khỏe. Dứt khoát không được để tình trạng bệnh tật của trẻ kéo dài mà không có được biện pháp chữa trị dứt điểm. Phần lớn trẻ bị suy dinh dưỡng lại bắt đầu từ việc các ông bố, bà mẹ thiếu quan tâm, chạy chữa dứt điểm cho trẻ khi các cháu bị bệnh tật kéo dài, ăn uống lại không đủ chất.
Tác giả: Phạm Ngọc Hoàng
Kiểm duyệt nội dung
0 Bình luận bài viết
Gửi đánh giá của bạn